Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực miền Trung

Đăng ngày 11 - 12 - 2023
100%

Ngay sau lễ khai mạc triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; trong buổi sáng ngày 19/10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực Miền Trung; Khai trương cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa và ra mắt app Thanh Hóa - S.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía Bộ TT&TT có đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cùng đại diện các vụ, cục liên quan.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Thanh Thủy - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Mai Xuân Liêm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Quang Hải - Tỉnh ủy viên.

Cùng dự có đại diện Sở TT&TT các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp công nghệ thông tin; các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp tỉnh, Hội Tin học tỉnh...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm gửi lời cảm ơn các quý vị đại biểu đã đến dự các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và vui mừng được Bộ TT&TT lựa chọn tỉnh Thanh Hóa là đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực Miền Trung.

Đồng chí nhấn mạnh: Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.

Toàn cảnh hội thảo.

Đến nay, Thanh Hóa cũng đã đạt được một số kết quả trong quá trình chuyển đổi số, như: CNTT đã được các doanh nghiệp đầu tư triển khai đến hầu khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, góp phần sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư và duy trì, cung cấp các phần mềm ứng dụng trong cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh (trục LGSP) hoạt động một cách thường xuyên, ổn định, đáp ứng được việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng nội tỉnh cũng như với các cơ quan trung ương.

Thanh Hóa cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng dữ liệu mở, bước đầu cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực. Qua đó, phục vụ việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch dữ liệu của cơ quan chính quyền tới doanh nghiệp và người dân nhanh chóng, hiệu quả.

Về Chính quyền số, Thanh Hóa đã thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi/nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử trong 3 cấp chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã hiện tại có hơn 85.000 tài khoản người dân, doanh nghiệp với hơn 27.662.427 lượt truy cập. Cổng dịch vụ công cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.202 dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,61%. Hệ thống điều hành, giám sát an ninh mạng (SOC) được đầu tư, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7; Thanh Hóa là địa phương hoàn thành mô hình điểm về an toàn thông tin của cả nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo.

Về kinh tế số, các ngành, lĩnh vực đã quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28%. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các huyện; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Về xã hội số, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng thanh toán chủ yếu trong cộng đồng. Các giao dịch thanh toán với cơ quan chính quyền trong việc trả phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán viện phí, học phí; thanh toán dịch vụ điện, nước… đã trở thành phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh, hội thảo hôm nay là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác, tư vấn những giải pháp, công nghệ, sản phẩm mới nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông giới thiệu, chia sẻ các giải pháp hay, các ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung.

Các đại biểu làm thủ tục chính thức khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, App Thanh Hóa - S.

Phát hiểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Công nghiệp CNTT đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8% so với năm 2021; Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 117 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021; Lao động trong lĩnh vực công nghiệp ICT: 1.200.000 người, tăng 6% so với năm 2021; Nộp ngân sách: 40.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2021; trên toàn quốc hiện có 06 khu CNTT tập trung và các thành viên chuỗi Khu Công viên phần mềm Quang Trung.

Ký kết các thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giữa Sở TT&TT và Công ty Cổ phần Misa.

Điều này khẳng định lĩnh vực công nghiệp CNTT có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào GDP của đất nước nói chung và phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương nói riêng. Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Trung cần xác định phát triển công nghiệp ICT là cơ hội để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh hơn, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Bộ TT&TT đánh giá cao việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa lĩnh vực CNTT là lĩnh vực có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để ưu tiên phát triển bên cạnh các lĩnh vực khác là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Các đơn vị, doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực.

Đồng chí nhấn mạnh: Hội thảo lần này là sự kiện nằm trong hoạt động thường niên của Bộ TT&TT nhằm đưa các sản phẩm, giải pháp, nền tảng Make in Viet Nam xuất sắc để hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại các địa phương nói riêng, cả nước nói chung; góp phần thực hiện chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về thúc đẩy Chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Tiếp đó, tại phiên hội thảo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên tại Thanh Hóa; khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, App Thanh Hóa - S.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghiên cứu, chia sẻ nhiều tham luận quý giá về công tác chuyển đổi số, như: Nhu cầu chuyển đổi số của khối doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ tại Thanh Hóa; Nền tảng số Make in Viet Nam thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số tại địa phương; Hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa…

<

Tin mới nhất

Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số,...(11/12/2023 9:09 SA)

Thanh Hóa: Kết quả thực hiện chuyển đổi số năm 2023(10/12/2023 9:07 SA)

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa gắn với thương mại điện tử(08/11/2023 9:24 SA)

Tài liệu diễn đàn Kinh tế số, Xã hội số lần thứ nhất(08/11/2023 9:18 SA)

Thanh Hóa hái "quả ngọt" từ chuyển đổi số(01/11/2023 9:22 SA)

°
1026 người đang online