Thực hiện khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa

Đăng ngày 21 - 04 - 2025
100%

Ngày 19/4/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Kết luận số 3546-KL/TU về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, Cổng thông tin điện tử Sở Ngoại vụ giới thiệu nội dung Kết luận hội nghị như sau:

 

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 41. Ảnh: LVC

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 41 họp ngày 18/4/2025; sau khi nghe Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa (Tờ trình số 66-TTr/ĐU ngày 17/4/2025); Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận và thống nhất kết luận:

I. Ghi nhận, đánh giá cao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp, tham mưu xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa theo đúng tinh thần chỉ đạo, định hướng của Trung ương, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của Tỉnh và các địa phương. Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, dân chủ và sâu sát thực tiễn; qua đó, cho thấy sự đồng thuận, thống nhất cao đối với chủ trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh trình bày dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: LVC

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cơ bản thống nhất với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa, theo đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh tại Tờ trình số 66-TTr/ĐU ngày 17/4/2025. Giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý, xác đáng của các đại biểu tham dự Hội nghị để bổ sung, hoàn thiện Đề án; trong đó, lưu ý một số nội dung sau đây:

1. Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp:

Thống nhất chủ trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh từ 547 xã, phường, thị trấn xuống còn 166 xã, phường (giảm 381 đơn vị, tương ứng giảm 69,65%); cụ thể như sau:

(1) Thành phố Thanh Hóa: Sắp xếp 47 phường, xã hiện nay (riêng một phần diện tích, dân số của phường Quảng Cát thực hiện sắp xếp với các xã, phường thuộc thành phố Sầm Sơn) và 02 xã: Thiệu Giao, Tân Châu thuộc huyện Thiệu Hóa thành 07 phường.

(2) Thành phố Sầm Sơn: Sắp xếp 10 phường, xã hiện nay và một phần diện tích, dân số phường Quảng Cát, thành phố Thanh Hóa (khu vực phía Đông đường Nguyễn Doãn Chấp) và xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương thành 02 phường.

(3) Thị xã Bỉm Sơn: Sắp xếp 07 xã, phường hiện nay của thị xã Bỉm Sơn và xã Hà Vinh, huyện Hà Trung thành 02 phường.

(4) Thị xã Nghi Sơn: Sắp xếp 30 xã, phường hiện nay thành 08 phường và 02 xã.

(5) Huyện Hà Trung: Sắp xếp 18 xã, thị trấn còn lại (riêng xã Hà Vinh thực hiện sắp xếp với các phường thuộc thị xã Bỉm Sơn) thành 05 xã.

(6) Huyện Hậu Lộc: Sắp xếp 22 xã, thị trấn hiện nay thành 05 xã.

(7) Huyện Nga Sơn: Sắp xếp 23 xã, thị trấn hiện nay thành 06 xã.

(8) Huyện Hoằng Hóa: Sắp xếp 36 xã, thị trấn hiện nay thành 08 xã.

(9) Huyện Quảng Xương: Sắp xếp 25 xã, thị trấn còn lại (riêng xã Quảng Giao thực hiện sắp xếp với các phường thuộc thành phố Sầm Sơn) thành 07 xã.

(10) Huyện Nông Cống: Sắp xếp 29 xã, thị trấn hiện nay thành 07 xã.

(11) Huyện Thiệu Hóa: Sắp xếp 22 xã, thị trấn còn lại (riêng 02 xã: Thiệu Giao và Tân Châu thực hiện sắp xếp với các xã, phường của thành phố Thanh Hóa) thành 05 xã.

(12) Huyện Yên Định: Sắp xếp 25 xã, thị trấn hiện nay thành 07 xã.

(13) Huyện Thọ Xuân: Sắp xếp 30 xã, thị trấn hiện nay thành 08 xã.

(14) Huyện Vĩnh Lộc: Sắp xếp 13 xã, thị trấn hiện nay thành 03 xã.

(15) Huyện Triệu Sơn: Sắp xếp 32 xã, thị trấn hiện nay thành 08 xã.

(16) Huyện Mường Lát: Giữ nguyên địa giới của 08 xã, thị trấn hiện nay để bố trí thành 08 xã.

(17) Huyện Quan Hóa: Sắp xếp 15 xã, thị trấn hiện nay thành 08 xã.

(18) Huyện Quan Sơn: Sắp xếp 12 xã, thị trấn hiện nay thành 08 xã.

(19) Huyện Lang Chánh: Sắp xếp 10 xã, thị trấn hiện nay thành 06 xã.

(20) Huyện Bá Thước: Sắp xếp 21 xã, thị trấn hiện nay thành 08 xã.

(21) Huyện Ngọc Lặc: Sắp xếp 21 xã, thị trấn hiện nay thành 06 xã.

(22) Huyện Cẩm Thủy: Sắp xếp 17 xã, thị trấn hiện nay thành 05 xã.

(23) Huyện Thạch Thành: Sắp xếp 24 xã, thị trấn hiện nay thành 06 xã.

(24) Huyện Như Xuân: Sắp xếp 16 xã, thị trấn hiện nay thành 06 xã.

(25) Huyện Như Thanh: Sắp xếp 14 xã, thị trấn hiện nay thành 06 xã.

(26) Huyện Thường Xuân: Sắp xếp 16 xã, thị trấn hiện nay thành 09 xã.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: LVC

2. Về tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp:

Giao Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, trên cơ sở nghiên cứu kỹ Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, họp bàn thảo luận kỹ càng, thấu đáo, thống nhất về tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới; báo cáo về Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước 20 giờ 00 ngày 19/4/2025 để tổng hợp, trong đó:

Đại biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Đề án. Ảnh: LVC

(1) Việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

(2) Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.

(3) Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.

(4) Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nhận thức, có trách nhiệm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của Nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

(5) Nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.

(6) Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh.

3. Giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa; triển khai lấy ý kiến của cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 22/4/2025. Trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy ý kiến của cử tri và Nhân dân, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chậm nhất 20 giờ, ngày 23/4/2025; báo cáo HĐND tỉnh chậm nhất ngày 24/4/2025; báo cáo Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) trước ngày 01/5/2025.

II. Về một số công việc trọng tâm trong thời gian tới:

1. Cùng với xây dựng Đề án và triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1.1. Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh:

- Khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các phương án, gồm: (i) Phương án kết thúc hoạt động của Thanh tra cấp huyện và Thanh tra sở, tổ chức lại thành các tổ chức thuộc Thanh tra tỉnh; (ii) Phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền cấp huyện và cấp xã (hiện có); (iii) Phương án bố trí, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; (iv) Phương án bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện bảo đảm phục vụ hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng cấp xã sau sắp xếp; (v) Phương án sắp xếp, xử lý tài chính, tài sản công, công nợ… sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện; xử lý các dự án đầu tư dở dang khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;…

- Chỉ đạo rà soát, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình HĐND tỉnh về các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, huyện Thọ Xuân và huyện Mường Lát cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tập trung giải quyết dứt điểm việc chồng lấn đất đai của các hộ dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An trên địa bàn xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (đất đai thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa; tỉnh Nghệ An quản lý con người), để người dân được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của Nhà nước.

1.2. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy: (i) Ban hành Quy định về bố trí nhân sự cấp ủy ở các xã, phường thành lập mới; (ii) Đề án kết thúc hoạt động của các đảng bộ huyện, thị xã, thành phố và Đề án thành lập đảng bộ xã, phường trực thuộc Tỉnh ủy đồng bộ với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; (iii) Thành lập tổ chức bộ máy MTTQ và các tổ chức chính trị, đoàn thể các xã, phường thành lập mới; (iv) Chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra đồng thời với quyết định thành lập đảng bộ xã, phường trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính); phương án bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, chủ tịch ủy ban MTTQ); (v) Triển khai, cụ thể hóa các quy định mới của Trung ương về tổ chức bộ máy, về phân cấp và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử, quy hoạch cán bộ…

1.3. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết, ý nghĩa và lộ trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; kịp thời phát hiện, xử lý, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định, thuận lợi để triển khai hiệu quả Đề án trên địa bàn toàn tỉnh.

1.4. Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động nắm chắc tình hình địa bàn cơ sở, xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

1.5. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy:

- Chỉ đạo Ban Thường vụ Đảng ủy, UBND cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách nghiêm túc, khách quan, dân chủ về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nhất là tên gọi của xã, phường mới.

- Lãnh đạo, chỉ đạo HĐND cấp xã, cấp huyện xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; bảo đảm hoàn thành trước ngày 23/4/2025.

- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và định hướng phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy xã, phường sau sắp xếp.

- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá, quản lý hiện trạng tài chính, tài sản công thuộc phạm vi quản lý (bao gồm cả cấp huyện và cấp xã) trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập; bảo đảm việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng phương án xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến nợ công, nợ xây dựng cơ bản, tài sản công, trụ sở làm việc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng dôi dư... Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa vi phạm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình sắp xếp tài chính, tài sản công trên địa bàn quản lý.

Đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: LVC

2. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công chỉ đạo đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo đúng chủ trương, quan điểm chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy; bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ của Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy tại mục 1.5 của Kết luận này.

Hằng tuần (thứ Hai), các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố phải nghe và cho ý kiến về tiến độ công việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại địa bàn mình phụ trách và có báo cáo về Thường trực Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy)./.

<

Tin mới nhất

°
1156 người đang online