Trong các ngày từ 24/9 đến 2/10, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, đã có chuyến công tác tại Vương quốc Hà Lan và Cộng hòa Pháp. Với hàng loạt các hoạt động đối ngoại đã được tổ chức, thành công của chuyến đi đã góp phần tăng cường hiểu biết, kết nối, mở ra triển vọng hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp của các quốc gia này trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch và văn hóa, giáo dục.
Triển vọng hợp tác giữa Thanh Hóa với các đối tác châu Âu (truyenhinhthanhhoa.vn)
Điểm nhấn trong hoạt động của đoàn công tác là 2 hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vào tỉnh Thanh Hóa được tổ chức tại thành phố Den Haag, Hà Lan và tại Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Hà Lan và Pháp hiện đang là 2 đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu cũng như trên thế giới. Trong đó, Hà Lan đứng đầu châu Âu và đứng thứ 8 trên thế giới về đầu tư FDI vào Việt Nam, với 444 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,6 tỷ USD.
Ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan cho biết: Thanh Hóa là tỉnh lớn của Việt Nam, có rất nhiều tiềm năng và được các nhà đầu tư Hà Lan quan tâm. Đại sứ quán sẽ đồng hành, kết nối, hỗ trợ tỉnh để xúc tiến.
Ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, cũng như các cuộc làm việc, hội đàm với đoàn công tác, các đối tác của Hà Lan đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa, nhất là lợi thế về nguồn lao động dồi dào của một tỉnh có dân số hơn 4 triệu người; có hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được đầu tư ngày càng đồng bộ và hiện đại; cùng với môi trường đầu tư thông thoáng và những chính sách hấp dẫn. Giữa chính quyền và các doanh nghiệp 2 bên cũng đã đạt được những thỏa thuận bước đầu và cùng mong muốn sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, tiến tới hợp tác cụ thể, nhất là trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản thực phẩm, đầu tư hạ tầng cảng hàng không, cảng biển…
Ông Carlos Zepeda, Chuyên gia kinh tế hàng hải cao cấp, Trưởng dự án Cảng Rotterdam, Hà Lan cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa cũng như định hướng của tỉnh trong đầu tư phát triển cảng biển. Chúng tôi sẵn sàng đến nghiên cứu và tư vấn cho tỉnh trong công tác quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý, khai thác cảng biển". Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đánh giá cao và mong muốn được hợp tác đầu tư với các đối tác của Hà Lan, nhất là trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành hạ tầng cảng biển tại Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân.
Trong khi đó, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 3,75 tỷ USD, Pháp đang là đối tác FDI lớn thứ 2 của Việt Nam trong EU và đứng thứ 16 trong 141 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, mỗi năm Pháp hỗ trợ vốn vay ODA tối thiểu 200 triệu euro cho Việt Nam, tập trung vào 3 lĩnh vực gồm: ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh; đồng thời dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm khẳng định: hiệu quả trong hợp tác giữa Việt Nam - Pháp chính là điều kiện quan trọng để 2 bên mở rộng và nâng tầm mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
Bên cạnh việc đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Pháp bày tỏ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực Luật. Các tổ chức, doanh nghiệp của 2 bên cũng đã đạt được những thỏa thuận bước đầu về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch và thương mại…
Để tăng cường kết nối, xúc tiến đầu tư giữa 2 bên trong thời gian tới, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp của Pháp và của Thanh Hóa có vai trò rất quan trọng. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp người Việt tại Pháp cho biết: sắp tới sẽ xúc tiến tổ chức đoàn doanh nghiệp Pháp tới khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa. Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp người Việt tại Pháp cho biết: Hiệp hội sẽ vận động, kết nối các doanh nghiệp tại Pháp đến tìm hiểu, triển khai dự án đầu tư tại Thanh Hóa. Ông Mai Xuân Thông, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa sẽ chủ động thông tin, giới thiệu tới các đối tác về tiềm năng, cơ hội, chính sách đầu tư tại Thanh Hóa; đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khi đến tìm hiểu, triển khai dự án đầu tư tại Thanh Hóa.
Các hoạt động của đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa tại Hà Lan và Pháp đều có sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại, đại diện chính quyền các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp của Hà Lan và Pháp, cho thấy sự quan tâm, trọng thị của các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác quốc tế đối với tỉnh Thanh Hóa, một tỉnh lớn của Việt Nam.
Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn công tác cũng đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn Royal Schipol, sân bay Schipol tại thủ đô Amsterdam, Chính quyền cảng Rotterdam, Hà Lan; Phòng nghề nghiệp và thủ công mỹ nghệ vùng đại đô thị Paris, Pháp. Thành công của chuyến công tác không chỉ mở ra cơ hội hợp tác đầu tư giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác nước ngoài, mà còn góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với 2 nước Hà Lan và Pháp.
Nguồn: Bản tin thời sự tối ngày 4/10/2024