Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Chiều ngày 21/02/2023, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến thăm và làm việc với tỉnh.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Quang Hiệu - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Ngoại giao; Đại sứ Việt Nam tại các quốc gia: Hà Lan, Canada, Nam Phi, Brazil, Nigieria, Bangladesh, Thụy Điển, Brunei, Angiêri, Na Uy, Phần Lan, Venezuela, Angola, Tây Ban Nha và Malaysia.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã trình bày báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội, kết quả hoạt động đối ngoại năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình trong nước, trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đời sống của Nhân dân; được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, sáng tạo, có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa năm 2022 đã đạt một số kết quả nổi bật là:Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%, đứng thứ 7 của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/12/2022 đạt trên 51.000 tỷ đồng, vượt 71% dự toán và tăng 24,6% so với cùng kỳ; đây là năm đầu tiên số thu ngân sách Nhà nước của tỉnh vượt mốc 50 nghìn tỷ đồng. Thành lập mới trên 3.761 doanh nghiệp, vượt 25,4% kế hoạch và đứng thứ 6 cả nước; thành lập mới 73 hợp tác xã, vượt 58,7% kế hoạch. Sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù chịu tác động bất lợi do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng vẫn phát triển khá toàn diện; toàn ngành đạt mức tăng trưởng 3,65%, cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Chăn nuôi phát triển ổn định, năm 2022 là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.Sản xuất công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì tốc độ trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 16,31%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá, tỷ lệ giải ngân đạt trên 78%, cao hơn bình quân chung cả nước (75,11%). Đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp, giao thông quy mô lớn, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Các đại biểu tại buổi làm việc.

Tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn và tại các huyện, thị xã, thành phố. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm chỉ đạo; bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng vững chắc.

Các đại biểu tại buổi làm việc.

Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã thiết lập quan hệ hợp tác với 04 tỉnh, thành phố nước ngoài, gồm: tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào (thiết lập năm 1967); thành phố Seongnam, Hàn Quốc (năm 2013); bang Mittelsachsen, CHLB Đức (năm 2013); tỉnh Farwaniyah, Cô oét (năm 2018); ngoài ra, đã ký Biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác với tỉnh Tula (Liên bang Nga). Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại có tính trọng tâm, trọng điểm, nhằm củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác truyền thống, trọng điểm, đồng thời, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới.  Năm 2022, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 08 hội nghị, hội thảo quốc tế (tăng 01 hội nghị, hội thảo quốc tế so với năm 2021). Đặc biệt, có 02 hội thảo quốc tế quy mô cấp tỉnh là: Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” do Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa đồng tổ chức; Hội nghị “Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc” do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa đồng tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, với quy mô cấp vùng và sự tham dự của khoảng 650 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương và 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ và các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, tạo ấn tượng mạnh mẽ với các đại biểu tham dự Hội nghị.

Quang cảnh buổi làm việc.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 5,5 tỷ USD; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt gần 9,3 tỷ USD. Hàng hóa, dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, trong đó, một số thị trường có vai trò chủ đạo như: các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và một số thị trường mới, giàu tiềm năng như Mỹ và các nước châu Âu. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 141 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,415 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI; một số dự án quy mô lớn, tác động lan tỏa không những trong tỉnh mà cả khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ...

Tỉnh Thanh Hóa mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa triển khai các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa kết nối, tiến tới ký kết hợp tác hữu nghị với 01 địa phương của Nhật Bản trong năm 2023. Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong việc đấu mối, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tổ chức các hoạt động đối ngoại kết hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, vận động viện trợ phi chính phủ ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông - Châu Phi…); giới thiệu, kết nối các Đoàn ngoại giao, các doanh nghiệp nước ngoài đến Thanh Hóa để nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa. Hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa mời các đoàn cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài vào tác nghiệp, đưa tin giới thiệu, quảng bá về tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các trình tự, thủ tục lập hồ sơ Di tích khảo cổ Hang Con Moong đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Ngoại giao quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa thúc đẩy quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan.

Tỉnh Thanh Hóa cũng mong các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng hàng hoá, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hoá lớn tại nước sở tại với các doanh nghiệp sản xuất trong nước; hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các ngành hàng mũi nhọn; hỗ trợ xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; hỗ trợ đấu mối, giới thiệu và mời các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát triển khai hoạt động hợp tác với tỉnh trong các lĩnh vực ưu tiên như: công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế…

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác rất vui mừng khi được nghe những con số ấn tượng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua; chứng kiến sự thay đổi vượt bậc tại Khu kinh tế lớn của tỉnh, các thành viên trong Đoàn công tác đều tin tưởng Thanh Hóa đủ tiềm lực để phát triển cao và xa hơn nữa trong thời gian tới. Các thành viên đoàn công tác Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi về công tác đối ngoại, thu hút các nguồn lực quốc tế để phục vụ “phát triển xanh”, nhanh và bền vững của tỉnh; việc thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ với các đối tác quốc tế; công tác đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp khi đang và sẽ tham gia sân chơi chung quốc tế…

Đồng chí Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế; chủ động tham gia vào công cuộc “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ và tỉnh sẽ rà soát chương trình phối hợp theo từng năm để có chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Thanh Hóa cũng cần tranh thủ tối đa kỹ thuật số để truyền tải các thông tin cần giới thiệu, quảng bá phục vụ cho xúc tiến thương mại đầu tư.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu, tham vấn các mô hình tăng trưởng đã áp dụng thành công trên thế giới như mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ xanh, công nghệ số, thông minh trong phát triển… trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh Thanh Hóa, kết hợp các yếu tố bản sắc để xây dựng mô hình riêng có giá trị gia tăng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đối ngoại địa phương trên các mặt: ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân...; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đỗ Trọng Hưng – Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sâu sắc những ý kiến đóng góp, gợi mở của đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí trong Đoàn công tác. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan của tỉnh chủ động, tích cực đấu mối, phối hợp với các cơ quan của Bộ Ngoại giao, khẩn trương xây dựng chương trình phối hợp công tác năm 2023 giữa 2 bên để triển khai thực hiện.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác tại Thanh Hóa là dịp để lãnh đạo tỉnh giới thiệu về truyền thống lịch sử cách mạng, tiềm năng, thế mạnh, thời cơ, thuận lợi; cũng như những khó khăn, thách thức mà tỉnh Thanh Hóa đang gặp phải trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa thông tin về những kết quả đạt được trong những năm gần đây, nhất là trong 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; những kết quả bước đầu đạt được sau hội nghị công tác đối ngoại toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư chủ trì. Trước xu thế hội nhập, tỉnh Thanh Hóa rất kỳ vọng và tin tưởng qua buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Ngoại giao, Thanh Hóa sẽ có thêm động lực cho sự phát triển mới để được chắp cánh vươn ra biển lớn, đến với bạn bè trên thế giới.

Bộ Ngoại giao đã trao tặng 50 triệu đồng cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa.

Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã trao tặng 50 triệu đồng cho Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao./.

 

 

Theo Thanhhoa.gov.vn