14 quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao (Phần 1)
Trên cơ sở Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao (1961), quyền ưu đãi, miễn trừ của Cơ quan đại diện ngoại giao và các thành viên gồm 14 nội dung chính sau.
|
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền ưu đãi, miễn trừ cốt yếu và cơ bản nhất đối với viên chức ngoại giao. (Nguồn: Youtube) |
1. Quyền được treo Quốc kỳ, Quốc huy nước cử tại trụ sở, nhà riêng và phương tiện đi lại của Trưởng Cơ quan đại diện
Vì lý do an ninh, một số nước có thể khuyến nghị việc xe Đại sứ không cắm cờ khi tham dự một số hoạt động.
2. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể
Đây là một trong những quyền ưu đãi, miễn trừ cốt yếu và cơ bản nhất đối với viên chức ngoại giao.
Người được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể không bị bắt, giam giữ, đánh đập; không bị xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự; nước tiếp nhận có trách nhiệm đối xử lịch thiệp đối với họ và áp dụng mọi biện pháp thích hợp để ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm đến thân thể, tự do và nhân cách của họ.
3. Quyền bất khả xâm phạm đối với trụ sở, nhà ở và tài sản khác
Trụ sở, nhà ở và các tài sản khác của cơ quan, cá nhân viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính - kỹ thuật là bất khả xâm phạm. Bất kỳ người nước ngoài nào đều không được vào đó nếu không được sự đồng ý của đại diện cơ quan hoặc chủ nhà.
Nước tiếp nhận có trách nhiệm đảm bảo bằng mọi biện pháp để các tài sản đó không bị xâm phạm, không bị làm hư hại. Trụ sở, nhà ở và các tài sản khác của họ được miễn khám xét, miễn trưng dụng, trưng thu, miễn tịch biên hoặc bị phá hoại.
4. Quyền bất khả xâm phạm đối với hồ sơ, tài liệu, thư tín và vật dụng lưu trữ
Hồ sơ, tài liệu, thư tín và vật dụng lưu trữ của cơ quan, cá nhân viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính - kỹ thuật được hưởng quyền bất khả xâm phạm ở bất kỳ chỗ nào, bất kỳ lúc nào.
5. Quyền bất khả xâm phạm đối với túi ngoại giao
Túi ngoại giao là các túi hoặc các kiện hàng được gắn xi, đóng dấu trong đó chứa đựng tài liệu chính thức hoặc các đồ vật dùng cho công việc chính thức của Cơ quan đại diện.
Túi ngoại giao được hưởng quyền bất khả xâm phạm, không bị giữ hoặc bị gây trở ngại.
6. Quyền về thông tin liên lạc
Cơ quan đại diện ngoại giao được quyền tự do thông tin liên lạc cho các mục đích chính thức, bao gồm việc sử dụng mọi phương tiện cần thiết như điện đài, mật mã, thu phát vô tuyến.
Tuy vậy, việc lắp đặt, sử dụng hệ thống thu phát vô tuyến phải được sự đồng ý của nước tiếp nhận.
Theo baoquocte.vn