Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam

Chiều ngày 28/6, tại thành phố Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”. Dự hội nghị về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ và các ngành, doanh nghiệp có liên quan.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: baoquocte.vn)

Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu những thông tin quan trọng về thực trạng và triển vọng phát triển ngành Halal tại Việt Nam, vai trò của hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal Việt Nam; triển vọng xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của một số địa phương sang thị trường Halal toàn cầu. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển ngành Halad tại một số quốc gia như Indonesia, Brazil, Pakistan; Ả rập xê út, Trung Đông. Qua đó đề xuất khả năng hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác khu vực và quốc tế trong hợp tác quốc tế về Halal.

 Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đại biểu thảo luận tại Phiên 1: Thực trạng và triển vọng phát triển ngành Halal tại Việt Nam (Ảnh: baoquocte.vn)

Phát biểu tham luận tại hội nghị với chủ đề “Thuận lợi và khó khăn trong phát triển sản phẩm Halal của tỉnh Thanh Hóa”, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã thông tin đến các đại biểu một số nét khái quát về tiềm năng lợi thế, tình hình phát triển kinh tế xã hội tại Thanh Hóa năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Đồng chí khẳng định, tỉnh Thanh Hóa có quan hệ hợp tác với thị trường Halal từ rất sớm, với nhiều sản phẩm gia công, xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay Thanh Hóa mới có 7 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ Halad để xuất khẩu sang thị trường Halal với giá trị xuất khẩu chỉ vài triệu USD. Nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa gặp khó khăn khi tìm hiểu, tận cận thông tin về thị trường Halal do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán kinh doanh, cùng với đó là chi phí, điều kiện để nhận chứng chỉ Halal cũng rất khó khăn. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đề xuất các bộ, ngành sớm hoàn thiện đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” trình Chính phủ phê duyệt để doanh nghiệp tiếp cận, khai thác tiềm năng thị trường Halal. Đồng thời quan tâm xây dựng kênh thông tin chính thức để giới thiệu về thị trường Halal, nhu cầu thị trường, thông tin đối tác, đặc biệt hướng dẫn quy trình thủ tục được cấp chứng nhận Halal. Bên cạnh đó tăng cường các hội nghị xúc tiến, hợp tác với thị trường Halal, có cơ chế, hành lang pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp tham gia giao dịch với thị trường Halal.

Tại Hội nghị, tỉnh Thanh Hóa cũng có gian hàng giới thiệu sản phẩm được chứng nhận Halal và các sản phẩm đang làm quy trình cấp chứng nhận Halal của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn và Công ty Xây dựng và thương mại Phong cách mới.

Bên lề hội nghị Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã tiếp và làm việc với ngài Saleh Mohamed Admed al Saqri- Đại sứ Oman tại việt nam, Ngài Ali Akbar Nazari- Đại sứ Iran tại việt nam, tham tán thương mại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại việt nam- Ngài Burak cihan Urkmed. Đồng chí Nguyễn Văn Thi đã thông tin đến các Ngài Đại sứ về định hướng xuất khẩu của tỉnh nói chung và thị trường Halal nói riêng. Đồng thời, đề xuất các Ngài Đại sứ quan tâm, hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong tỉnh triển khai các hoạt động xuất khẩu vào thị trường Halal.

Văn phòng