Các đại biểu tham dự Hội nghị
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn và Hậu Lộc, các xã ven biển, chiến sĩ biên phòng, huyện đội phụ trách địa bàn và người dân các huyện ven biển Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn.
Đồng chí Lê Văn Trung, Phó Trưởng phòng Tổng hợp và thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy truyền đạt chuyên đề: Cập nhật thông tin biển, đảo năm 2022.
Thanh Hóa là tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ có 102 km bờ biển, gồm 6 huyện, thị xã, thành phố ven (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn) với diện tích hơn 1230,6 km2 (chiếm 11,1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh); có vùng lãnh hải rộng 17.000 km2; có 2 đảo ven bờ (Đảo Nẹ diện tích 1 km2) và đảo Hòn Mê diện tích 4,2 km2) cùng một số đảo nhỏ có vị trí chiến lược quan trọng. Vùng biển Thanh Hoá có nhiều cảng biển như: Cảng Nghi Sơn, Cảng Lễ Môn, Cảng cá Lạch Trường, Cảng cá Hòa Lộc; có nhiều bãi thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn, là nguồn tài nguyên tiềm năng để phát triển kinh tể biển cũng như phát triển du lịch và dịch vụ hàng hải; có 4 hệ thống sông chính đổ ra biển qua 5 cửa sông (Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng). Các xã thuộc khu vực biên giới biển của tỉnh Thanh Hóa là địa bàn tập trung đông dân cư, mật độ dân số cao (khoảng 1.439 người/km2), điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhanh, nhưng không đồng đều.
Đồng chí Mai Văn Thoại, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Mai Văn Thoại, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ đã nhấn mạnh tầm quan trọng, vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam trên địa bàn tỉnh, đồng thời, khái quát tổng quan về địa hình, vị trí địa lý của Thanh Hóa cụ thể: vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển;
Nắm bắt xu thế chung của thế giới, khu vực và xuất phát từ yêu cầu của thực tế việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã ban hành Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng chiến lược và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định: Chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình và tranh thủ ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển Đông.
Đồng chí Lê Thế Viên, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh truyền đạt chuyên đề tại hội nghị.
Tại hội nghị, với sự tham gia của gần 600 đại biểu là đại diện Lãnh đạo UBND, các phòng ban thuộc UBND, các xã ven biển, các đồn biên phòng, huyện đội và ngư dân thuộc các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc được nghe đại diện các ban, ngành chức năng truyền đạt 3 chuyên đề: Cập nhật thông tin biển, đảo năm 2022; Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và tranh chấp Biển Đông - Những diễn biến mới; Tình hình trên biển và các quy định liên quan về khai thác thủy sản.
Hội nghị tập huấn nhằm mục đích cập nhật thông tin mới nhất về công tác biển, đảo cho cán bộ lãnh đạo các huyện và xã ven biển, nâng cao nhận thức và cùng nhau giữ gìn an ninh - trật tự, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, quyết tâm góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng pháp luật của nước ta và luật pháp quốc tế./.