Những điều cần biết về Phái đoàn đại diện tại các tổ chức quốc tế

Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác là cơ quan đại diện chính thức của Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế

Hiện nay, Việt Nam có các cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế sau:

- Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York, Mỹ và Geneva, Thụy Sỹ.

- Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN (Indonesia).

- Đại diện của Việt Nam tại một số cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc: UNESCO, UNESCAP, UNIDO, UNOV, UNODC, WFP, IFAD, FAO OPCW; IAEA; CTBTO.

Các cơ quan và thành viên các cơ quan nói trên được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ của nước sở tại dành cho các phái đoàn/cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế hoặc thỏa thuận giữa tổ chức quốc tế với nước sở tại.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại các tổ chức quốc tế được quy định tại Quyết định số 51/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Trưởng Phái đoàn đại diện tại tổ chức quốc tế

Thư ủy nhiệm của các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực tại Liên hợp quốc (ở New York, Geneva) do Chủ tịch nước ký.

Thư ủy nhiệm của các Đại sứ, Đại diện thường trực tại cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc (UNESCO, UNESCAP, UNIDO, UNOV, UNODC, WFP, IFAD, FAO); OPCW; IAEA; CTBTO và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN do Bộ trưởng Ngoại giao ký.

Các thư này do Cục Lễ tân Nhà nước chuẩn bị và trình Lãnh đạo ký. Các Trưởng cơ quan đại diện đến nhận thư tại Cục Lễ tân Nhà nước trước khi đi.

Nghi thức lễ tân tại các tổ chức quốc tế được thực hiện trên cơ sở quy định và thông lệ của từng tổ chức.

Theo baoquocte.vn