Tổng Quan Thanh Hóa

Đăng ngày 12 - 06 - 2015
100%

Thanh Hoá là tỉnh nằm ở Bắc Trung bộ, cách thủ đô Hà Nội 154 km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 1.560 km về phía Bắc. Phía Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Bắc giáp với 3 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; phía Tây giáp nước CHDCND Lào, với đường biên giới dài 192km; phía Đông là Vịnh Bắc bộ với chiều dài 102 km bờ biển. Diện tích tự nhiên là 11.130km2; toàn tỉnh có 27 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương (gồm 1 thành phố, 2 thị xã, 24 huyện) với 637 xã, phường, thị trấn; dân số gần 3,5 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, sau thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa luôn giữ vai trò rất quan trọng về cả chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, được cả nước biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Với nhiều đặc điểm riêng biệt, Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái, đó là: Trung du miền núi, đồng bằng và ven biển; Có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều loại trữ lượng lớn như: đá vôi, cát, sét, quặng sắt, đặc biệt là có mỏ cromit duy nhất ở Việt Nam; tiềm năng đất đai đa dạng, thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, nhất là các loại nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như: lúa, ngô, mía đường, cao su, sắn, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc; sản phẩm lâm sản khá phong phú, đặc biệt là trữ lượng cây tre, luồng lớn nhất cả nước. Tỉnh còn có vùng lãnh hải rộng lớn, thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

 

Thanh Hóa có vị trí khá thuận lợi về giao thông cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không: Có tuyến đường sắt Bắc - Nam và nhiều tuyến quốc lộ quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh; có Cảng Hàng không Thọ Xuân với đường bay Thanh Hóa - Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa - Buôn Mê Thuật và đang xúc tiến để mở thêm các đường bay từ Thanh Hóa đi Đà Nẵng và một số địa phương khác; có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thông thương với nước CHDCND Lào và qua đó với các nước trong khối ASEAN; có Cảng nước sâu Nghi Sơn, hiện nay đã tiếp nhận được tàu có trọng tải 35.000 tấn và sau khi nạo vét có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 tấn, đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ và miền Bắc.

 

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Đặc biệt, tỉnh có Khu Kinh tế Nghi Sơn là 01 trong 05 khu kinh tế trọng điểm của cả nước với diện tích hơn 18.000ha và đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng diện tích lên trên 66.000ha. Trong Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện đang có các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như: Dự án Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD; dự án Tổ hợp các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ USD; và các dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, công suất 7,0 triệu tấn phôi thép/năm; Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, công suất 4,3 triệu tấn/năm, Nhà máy Xi măng Công Thanh, công suất 5,8 triệu tấn/năm… Trên cơ sở khai thác lợi thế của Cảng Hàng không Thọ Xuân, tỉnh đang tập trung xây dựng Khu Công nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, với tổng diện tích khoảng 6.000ha, định hướng trong tương lai sẽ cùng với Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh.

 

Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, trong đó có 145 di tích được xếp hạng quốc gia, 626 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh và nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Khu di tích Bà Triệu được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như: Di tích Núi Đọ, Đông Sơn; Khu di tích Lê Hoàn, Ba Đình, Hàm Rồng; Vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông; các bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa,...đó là những lợi thế lớn cho phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch tắm biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch văn hóa tâm linh; đồng thời là tỉnh có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, với trên 2,1 triệu lao động có trình độ văn hóa tương đối cao; hàng năm có gần 20.000 sinh viên đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trên 11.000 lao động được đào tạo ở các trường dạy nghề. Đây vừa là lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, đồng thời là tiềm năng để phát triển các ngành có hàm lượng trí tuệ cao.

Có thể nói, tỉnh Thanh Hóa hội đủ các yếu tố về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, an ninh trật tự để các nhà đầu tư lựa chọn làm nơi tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững. Tỉnh Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh, với nhận thức "Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh"; đồng thời, khẳng định quan điểm nhất quán và cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 

Phát huy tiềm năng, lợi thế và chủ động hội nhập, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa tập trung phát triển kinh tế, tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hoá đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, toàn bộ các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội năm 2014 đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,6%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và cao hơn so với nhiều năm trước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Sản xuất nông nghiệp đạt 1,737 triệu tấn lương thực, cao nhất từ trước tới nay. Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt gần 30.500 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 8.500 tỷ đồng, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt trên 85.000 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch, gấp 1,6 lần cùng kỳ. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường, huy động được đa dạng các nguồn vốn ODA, vốn của các tổ chức phi chính phủ, vốn của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài và vốn trong nhân dân. Hiện Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thu hút vốn FDI, giá trị lũy kế thực hiện đến nay đạt trên 10 tỷ USD. Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng được khởi công xây dựng, đã mở ra thời cơ, vận hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư vào tỉnh, để tương lai không xa nữa Thanh Hóa sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển của cả nước.

 

Cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng có nhiều chuyển biến tiến bộ. Thanh Hóa là một trong những tỉnh nhiều năm có học sinh đạt giải Olympic quốc tế; kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2014, Thanh Hóa xếp thứ 6 toàn đoàn; kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014, có 18 học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học hàng đầu của cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ và chăm sóc trẻ em tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; nhiều kỹ thuật chuyên sâu được đưa vào áp dụng trong khám, chữa bệnh. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được chú trọng, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm; công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền có chuyển biến, tiến bộ, hiệu lực, hiệu quả.

 

Trong thời gian tới, Thanh Hóa đề ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh tiên tiến, với cơ cấu kinh tế hợp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - kỹ thuật của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

 

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới; tập trung huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, coi đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy tối đa động lực tăng trưởng từ các ngành công nghiệp nặng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn để tăng cường kết nối giữa công nghiệp nặng với công nghiệp phụ trợ và dịch vụ, tạo sự lan tỏa tăng trưởng cho cả tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ; bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng, thiết thực và hiệu quả hơn để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhanh và bền vững; đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo an ninh, an toàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh./.

<

Tin mới nhất

Tổng Quan Thanh Hóa(12/06/2015 5:00 CH)

°
0 người đang online